Tìm Hiểu Cách Căng Vợt Và Các Yếu Tố Ảnh Hưởng

Bài viết nguyên văn sưu tầm từ nguồn yêucầulông

Bỏ một số tiền khá lớn ra một cây vợt nhưng không nhiều người biết đến cây vợt của mình được căng như thế nào? Người căng có am hiểu và căng đúng cách không? Và cứ 4 nút là chuẩn có phải thế không? Hôm nay mình xin được chia sẻ kinh nghiệm hơn 2 năm tìm tòi học hỏi và thực hành của mình.

Nói về kĩ thuật căng thì không có nhiều nhưng nó đòi hỏi sự hiểu biết và tỉ mỉ của người căng.

Có phải cứ đan 4 nút là chuẩn?

Không. Nó không đúng. Đan chuẩn phải là đan theo cách hướng dẫn của hãng với từng kiểu hệ thống lỗ gen.  Hiện tại có 2 kiểu căng chính là đan 2 nút và đan 4 nút. Trong đan 4 nút lại có một số biến thể khác do cách bố trí gen của nhà sản xuất.
Đan 4 nút đa phần là cách đan với hệ thống lỗ gen 76 lỗ- Đây là hệ thống lỗ gen kiểu mới. Đan 2 nút với các hệ thống lỗ gen còn lại : 72 lỗ, 80 lỗ, 88 lỗ, 96 lỗ…

Nói lý thuyết là vậy nhưng thực tế thì ở VN chủ yếu các shop đan 2 nút . Đan 2 nút cũng không hẳn là xấu. Mình sẽ nói đến ưu nhược điểm của đan 2 nút và 4 nút.

Đan 2 nút:

Ưu điểm: Cước rất căng dàn đều trên cả mặt vợt vì chỉ có 2 nút thắt. dây chỉ bị chùng ở dây cuối cùng lúc chốt.
Nhược điểm: Lực dây ngang và dọc là 1 nên lúc đứt cước thì vợt sẽ bị méo vì dây đứt rồi dãn sẽ không đều

Đan 4 nút:
Ưu điểm: Lực ngang lực dọc  được tách rời nên khi vợt đứt cước, đa phần là chỉ đứt 1 dây 1 chiều ( hoặc dọc hoặc ngang) nên mặt vợt không biến dạng nhiều làm ảnh hưởng tới khung. Nhưng dù căng cách nào thì các bạn cũng  nên cắt ngay cước khi bị đứt.

Nhược điểm: Cước không được căng như đan 2 nút vì chúng ta có 4 nút thắt và có 3 dây mối thắt. Nên tại mặt dây dọc 2 dây áp sát ngoài cùng sẽ không được căng như các dây còn lại do là nút thắt. Vì vậy mặt vợt sẽ không được căng đều như đan 2 nút và sẽ nhanh xuống cân hơn.

Có một điều mà các hãng không hề nhắc tới tại sao nên căng 4 nút . Đan 4 nút hãng có thể xác định được mức căng có bị quá không khi vợt của bạn gặp sự cố trong thời gian bảo hành. Vì khi đứt dây thì đa phần chỉ đứt dây 1 chiều dọc hoặc ngang. Nên chiều còn lại dây vẫn giữ nguyên nên sẽ xác định được mức căng nhờ thiết bị đo.

Ngoài ra thì ở Việt Nam còn có 1 kiểu căng khác đó là căng từ biên vợt vào. Cách căng này chủ yếu theo kiểu căng 2 nút.

Các yếu tố ảnh hưởng tới đan vợt.

Căng một cây vợt không đơn giản chỉ là đan 4 nút hay 2 nút là chuẩn. Đan vợt gồm 1 quá trình bao gồm từ đặt vợt lên máy căng, các xỏ dây, (nhiều nơi đan trước trước khi đặt lên máy), chỉnh thông số mức căng, cách kéo và cuối cùng là cách chốt.

Mỗi một khâu khâu nào cũng cực kì quan trọng. Khâu đầu tiên là đặt vợt lên máy nghe thì ai cũng có thể đặt được và kẹp được nhưng nó rất quan trọng, tôi đánh giá nó là bước quan trọng nhất vì nếu làm không chuẩn sẽ bị biến dạng khung làm tất cả các quá trình sau chỉ là từng bước  làm gãy vợt.

Kẹp vợt  lên khung

Không phải cứ đặt lên máy đặt khít vào và kẹp là ok. Khi căng bao giờ thợ căng cũng kéo dây dọc trước chính vì thế mà mặt vợt bao giờ cũng sẽ bị biến dạng tròn trước, sau đó kéo dây ngang thì mặt vợt sẽ về lại trạng thái ban đầu. Chính vì thế mà anh thợ nào chỉnh kẹp khít chặt vào khung vợt sẽ làm mất khả năng biến dạng. Các bạn cứ tưởng tượng khi làm cầu  hay đường bằng bê tông, không bao giờ người ta đổ liền cả con đường mà người ta sẽ chia làm rất nhiều các đoạn bê tong một.  Giữa các tấm bê tông nối với nhau bao giờ người ta cũng để 1 khoảng cách nhỏ. Khi bê tong gặp nhiệt độ cao sẽ dãn nở và các khe hở này sẽ giúp đường không bị đứt. Vợt cũng giống như vậy, nếu kẹp khít quá thì sẽ không còn khoảng cách để vợt dãn ra. Chính vì vậy mà người thợ lành nghề bao giờ cũng để 1 khe hở nhỏ ở vị trí kẹp. Như ảnh.

4 chấu 2 bên cũng không được rít quá chặt , rít chặt quá thì nhẹ là sẽ bị đùn sơn ở các vị trí kẹp. Nặng hơn là ảnh hưởng tới khung vợt.  Ngoài ra đa số các máy sử dụng ở Việt Nam sử dụng có kep cố định ở 2 đầu vợt. Kẹp cố định vợt ở 2 đầu cũng không được kẹp quá chặt, có trường hợp kẹp chặt quá còn bị nứt khung.

 

 

Nói vậy để các bạn thấy, việc đặt vợt lên máy kẹp sao cho chuẩn cực kì quan trọng, nếu đặt vợt đúng tâm máy, kẹp chuẩn thì khung sẽ không bị ảnh hưởng, còn nếu kẹp sai thì cực kì nguy hại khi căng.

Đan Dây:

Đan dây cũng hết sức quan trọng, nếu đan sai làm dây bị lệch lỗ thì nguy cơ sập khung rất cao, vì vậy mà vệc đầu tiên là phải đan đúng trước đã.
Mỗi một kiểu hệ thống  lỗ thì có 1 cách đan khác nhau. Thường gặp nhất là 2 kiểu 72 lỗ và 76 lỗ ngoài ra thì còn 80 lỗ, 88 lỗ, 96 lỗ nhưng rất ít cây vợt sử dụng hệ thống này. Nên mình sẽ chỉ giới thiệu với mọi người 2 loại thông dụng này thôi.

Hệ thống 72 lỗ: BS 12, N90, N9…

  • Dây dọc: Bắt đầu xỏ từ đỉnh vợt ( đỉnh 12h). đan đều sang 2 bên đến B9. Bỏ qua B10, B11 xỏ đến B12 đi tới A11 và sau đó xỏ lên A10 luồn đi xuốn b10 và thắt nút tại B8. Mặt bên kia cũng tương tự như thế.
  • Dây ngang: Bắt đầu chốt ở lỗ to có thể là B6 hoặc B7 tùy vợt và bắt đầu kéo từ dây B9, kéo lần lượt đến A7 thì chốt ở A6 hoặc bỏ qua A6 chốt ở 5 tùy vợt.

Hệ thống 76

Với hệ thống 76 lỗ thì có 2 kiểu chủ yếu tùy thuộc vào hệ thống thiết kế của hãng theo từng cây vợt. Theo kiểu nào thì theo nhưng làm sao đảm bảo dây luôn thẳng không bị xiên xẹo là chuẩn

Hệ thống 76 lỗ trên : ARC-FB, ARC-ZS, VTZF

Dây dọc: Bắt đầu kéo từ đỉnh vợt (đỉnh 12h) lần lượt kéo đến B9 thì dừng . Chú ý bỏ qua các lỗ A7, A9 và A11. Từ B9 bỏ qua B10, B11 kéo đến B12, từ B12 đi thẳng lên A16. Bỏ qua A15 đi lên A14 . Từ A14 đi xuống B10 và chốt ở B8 hoặc B7 tùy vợt.

Dây ngang: Chốt ở dây B6 hoặc B7 tùy vợt. Bắt đầu kéo từ B9 lần lượt đến A7 thì dừng. Sau đó chốt ở A5.

Hệ thống 76 lỗ trên : ARC11, ARC9FL, ARC7, ARC009DX, ARC008DX, ARC6, NR800, NR700RP, NR700FX, NR500, NR300, NR100, NR80, VT80, VT70, VT60, NS9900

Dây dọc: Bắt đầu kéo từ đỉnh vợt (đỉnh 12h) lần lượt kéo đến B9 thì dừng . Chú ý bỏ qua các lỗ A8 và A10 ở 2 bên. Từ B9 bỏ qua B10, B11 kéo đến B12, từ B12 đi thẳng lên A15. Bỏ qua A14 đi lên A13 . Từ A13 đi xuống B10 và chốt ở B8 hoặc B7 tùy vợt.

Dây ngang: Chốt ở dây B6 hoặc B7 tùy vợt. Bắt đầu kéo từ B9 lần lượt đến A7 thì dừng. Sau đó chốt ở A5.

Đan dây trước hay vừa đan vừa kéo?

Nếu nói để chuẩn thì vừa đan vừa kéo sẽ chuẩn  nhất nhưng vợt có dăm bảy loại. Nếu 1 cây vợt hệ thống lỗ gen 72 lỗ thì việc vừa đan vừa kéo sẽ hết sức khó khăn vì hệ thống lỗ gen đôi ( gen dùng chung cho cả dây ngang và dây dọc) và nhất là các cây vợt cũ được căng nhiều lần lỗ gen nát ra thì việc xỏ dây qua sẽ tốn nhiều thời gian của người căng. Chính vì vậy mà đan trước sẽ tốt cả cho vợt và cho người căng.

Ưu nhược điểm của 2 loại:

Đan trước: ưu điểm là tiết kiệm thời gian đứng máy cho người căng, cùng 1 lúc nếu  quán có 2 người làm thì với cùng  thời gian thì căng được gấp đôi so với kiểu căng đến đâu kéo đến đó.Nhưng nhược điểm là nếu người căng kông có kĩ năng tốt –  cước sẽ hay bị xoắn làm vỡ cấu trúc cước và làm cước nhanh đứt hơn.

Kéo đến đâu đan đến đó: Đây là kiểu chuẩn quốc tế nên lợi ích của nó là cước đảm bảo không bị xoắn và ít ma sát với các lỗ gen khi căng. Bạn tưởng tượng với 1 sợi dây căng vợt là 10 mét, nếu đan trước thì đầu cuối sợi dây sẽ bị xỏ đi xỏ lại từ khi bắt đầu đan vợt đến khi căng xong nên do đó bị ma sát rất nhiều làm cước bị sờn và xoắn. Kiểu đan này hay bị xoắn dây ngang là vì khi dây dọc đã được kéo thì các lỗ gen sẽ khít các dây ngang lúc này đã được đan sẽ bị chèn ép 2 đầu nên kéo sẽ hay bị xoắn. Kiểu xỏ đến đâu căng đến đó thì đầu cuối sợ dây luôn được thả lỏng, do đó khi xoắn dây sẽ bị loại bỏ hết.   Kiểu xỏ đến đâu kéo đến đó sợi dây 10m sẽ được chia làm đôi do vậy nên sợi cước sẽ không bị ma sát và ko bị xoắn.
Kẹp cước

Trong suốt quá trình căng, dù căng theo kiểu nào thì người căng luôn phải dùng kẹp để cố định sợi cước. Nếu kẹp chặt quá sẽ bị vỡ cấu trúc cước dẫn tới cước nhanh bị đứt. Còn nếu kẹp chặt quá khi căng thấp thì không sao nhưng căng mức cân cao cước sẽ bị tụt do đó không đủ số kí cần căng. Vì vậy mà kẹp cước cũng cả một nghệ thuật, người căng luôn lấy cảm giác của mình ra để chỉnh kẹp trong suốt quá trình căng vì cứ vài lần kẹp thì kẹp sẽ bị lỏng ra 1 chút.

Chỉnh cân và căng

Nếu máy điện tử thì việc chỉnh cân là chuyện hết sức dễ dàng và tốc độ kéo luôn được đảm bảo, nhưng với kéo bằng máy cơ việc chỉnh cân là do người căng chỉnh và tốc độ căng cũng do người căng quyết định.

Nhiều người hay thắc mắc tại sao tôi căng ở shop này cũng bằng ấy kí mà căng hơn hẳn shop kia. Lí do có thể được lí giải như sau:

Trường hợp 1: Người căng chỉnh mức căng cao hơn số kí bạn yêu cầu. Vì máy cơ nên không ai nhìn được thông số kí như máy điện tử có màn hình. Nên người căng chỉnh thế nào thì cũng không ai để ý được.

Trường hợp 2 : Máy cơ, mức độ tính kí được tính theo độ xoắn của lò xo. Máy càng cũ căng càng nhiều vợt thì lò xo sẽ bị dãn. Nên với mỗi máy cơ hãng đều trang bị cho 1 dụng cụ đo số kí.  Người căng không có kinh nghiệm sẽ không đo và chỉnh lại máy sau 1 khoảng thời gian, do vậy mà chuyện thiếu cân là bình thường.

Trường hợp 3: Trường hợp này hi hữu lắm nhưng mình đã gặp đó là tính toán quy đổi sai. Vì máy cơ hoàn toàn dùng đơn vị đo là LBS. Có người căng không biết đơn vị tính là gì, lúc tập căng được người hướng dẫn chỉ cho sau đó thì quên nên tính đổi sang kilogam sai.

Tốc độ căng:

Với máy điện tử thì tốc độ căng là hằng số. Có nghĩa là máy đã được lập trình thường có 3 mức tốc độ ( Fast-nhanh, Medium- trung bình và Slow-chậm) nên một khi đã chọn 1 trong 3 tốc độ thì đảm bảo toàn bộ các dây trên vợt sẽ kéo cùng 1 tốc độ như nhau.

Nhưng với máy cơ thì tốc độ là do người căng, do vậy mà mặt cước có đều hay không cũng bị ảnh hưởng.  Với những người làm lâu năm có kinh nghiêm thì tốc độ kéo thế nào và sự ổn định sẽ cao hơn những 

 

Cách chốt cước

Chốt hay nói cách khách và thắt nút nghe thì có vẻ đơn giản chỉ cần xoắn lại và rít thế là xong nhưng sự thực thì nó không hề đơn giản.  Thắt chuẩn sẽ phải là thắt nút đôi có nghĩa là người căng sẽ tạo 2 vòng tròn rồi mới thắt. Và thắt làm sao khi cước càng tụt vào thì nút thắt càng chặt. Giống như kiểu thắt nút bẫy thú rừng. Khi con vật bị mắc vào thong lọng nếu nó càng giãy dụa thì nút thắt càng chặt và nó sẽ không bao giờ thoát ra được. Thắt nút căng vợt cũng sẽ phải như vậy mới chuẩn. Nhưng ở VN thì đa phần mọi người ít tìm tòi học hỏi nên chủ yếu thắt đơn ( cuộn 1 vòng xong thắt và làm như vậy 2 lần). Kiểu này hoàn toàn không đúng, ở đâu đó bạn sẽ gặp trường hợp nút thắt sau vài buổi đánh nó tuột ra ảnh hưởng rất lớn đến vợt.

Nếu căng 4 nút thì chốt cũng có 2 cách, chốt dây ngang ở vị trí dây B7 sẽ đòi hỏi phải xử lí kĩ hơn, mối thắt to hơn so với 3 vị trí còn lại. Hình ảnh bên cạnh là hướng dẫn thắt nút của Lining.

Một điều nữa là người căng hay dùng máy để kéo nút thắt. Làm thế mục đích để cho nút thắt nó chặt và đủ số kí như các dây khác. Nhưng thực tế là dù họ có dùng máy kéo bao nhiêu lực thì cũng không thể làm dây có nút thắt đó căng bằng các dây khác được. Mà ngược lại nó làm cước bị sờn rất dễ bị đứt. và có nhiều trường hợp kéo chốt bằng máy ăn cả vào khung, tạo 1 vết sâu trên khung vợt.

Chốt thì bất kể là máy cơ hay điện tử thì người thợ đều dùng tay hết. Nếu không có kinh nghiệm xử lí thì sợi dây chốt sẽ rất chùng và cước tại vị trí chốt sẽ dễ bị sờn và đứt nhanh.

Người căng vợt:

Căng vợt cũng là 1 nghề đòi hỏi tay nghề thợ như bao nghề khác vì vậy mà cũng có những cấp bậc thợ. Người thợ càng khéo tay, ham học hỏi và càng làm lâu năm kinh nghiệm càng nhiều. Căng sẽ tốt hơn những người mới căng nhất là với máy cơ. Thêm 1 cái nữa là kinh nghiệm xử lí các sự cố phát sinh. Không phải cây vợt nào cũng giống cây nào do đó mà người căng lâu năm gặp các trường hợp đó rồi sẽ dễ dàng xử lí.

Tôi ví dụ: Nếu căng trực tiếp từ giữa ra 2 dây đâu tiên sẽ bị chùng hơn. Bạn đánh sẽ thấy hay bị xô 2 dây đó, do nó không đủ số kí nếu người căng không biết xử lí. Nếu người căng có kinh nghiệm sẽ làm thủ thuật nhỏ để xử lí dây đó để có số kí bằng với các dây còn lại. Hay như việc có tăng dây ngang hơn dây dọc 1-2LBS hay không? Thì cũng ở kinh nghiệm của từng người căng với từng dòng vợt.

Thêm một cái nữa mà chúng ta hay gặp đó là xử lí khi bị lún gen. Và cách xử lí để vợt không bị lún gen.

Có nhất thiết phải tăng dây ngang lên 1-2LBS không khi căng?
Câu trả lời là không nhất thiết. Hiện tại mới có 2 hãng vợt có khuyến cáo nên tăng dây ngang hơn dây dọc 1-2LBS là Lining và Mizuno. Còn lại thì các hãng khác không có khuyến cáo gì cả.
Tại sao phải tăng dây ngang hơn dây dọc?
Lí do bởi vì dây dọc là dây căng trước nên nó không chịu bất cứ cản trở nào. Còn dây ngang sẽ căng sau khi dây dọc đã hoàn tất. Do vậy nó sẽ phải luồn so le qua các dây dọc nên người căng cần điều chỉnh máy tăng lên 1-2lbs để dây ngang đủ số kí như dây dọc. Tránh trường hợp vợt bị bầu và không đủ số kí.

Tuy vậy thì cũng tùy loại cước và tùy loại vợt, với các vợt lỗ gen rộng không chịu nhiều ma sát thì không cần tăng. Với các loại cước cũng thế, các sợi cước mỏng đường kính nhỏ thì chỉ cần tăng 1 ít còn các cước đường kính to sẽ phải tăng nhiều hơn và tối đa là 2LBS.

Với máy điện tử, tốc độ là hằng số thì đa số các vợt đều nên tăng. Còn với máy cơ thì người thợ có thể tùy chỉnh tốc độ căng mà không cần phải tăng số kí.

Tổng kết:

Trên đây là tất cả những gì mình tìm hiểu được sau 2 năm tìm tòi. Mình đi thực tế các cửa hang có tiếng cũng nhiều và xem youtube gửi mail cho những người căng có tiếng để tìm hiểu cũng có. Tuy vậy kiến thức là vô hạn mình không thể biết hết được do trình độ hiểu biết có hạn. Nhưng mình khẳng định, với một người chơi cầu, bạn chỉ cần hiểu các điều trên thì đảm bảo sẽ tìm được địa chỉ tin cậy cho mình. Và bảo vệ cây vợt yêu quý của mình một cách tốt nhất.

Gia Thịnh – Yeucaulong.com

 

...