Vợt là thứ quan trọng nhất và luôn được bàn cãi tại khắp các diễn đàn cầu lông lớn. Làm sao để có được cây vợt hợp lý nhất cho chính mình? Nên đan bao ký để phát huy tối đa khả năng của mình?
Đó luôn luôn là câu hỏi cho dân chơi cầu lông. Áp đặt sở thích mua vợt giống người khác là một tư duy phản khoa học, bởi mỗi người một cách chơi khác nhau tùy theo kỹ thuật, và thể lực nên việc cân và chọn vợt cũng ắt phải khác nhau.
Bài viết sau tổng hợp từ Google trên các diễn đàn cầu lông và kiến thức tản mạn ít ỏi của người viết. Mong giúp thêm tầm nhìn cho những người bắt đầu học và say mê Cầu lông khi chọn vợt. Sau đây là cách chọn vợt cầu lông:
Trọng lượng cây vợt (số U)
Được kí hiệu bằng chữ U trên tem dán ở phần cán tiếp giáp với thân vợt.
Số U càng lớn, vợt càng nhẹ;
- 2U (90-94 gr)
- 3U (85-89 gr)
- 4U (80-84 gr)
- 5U(dưới 80gr)
Với người châu Á nói chung, 3U (85-89 gr) là trọng lượng vợt vừa phải; ai có cánh tay và cổ tay khỏe, có thể chọn 2U (90-94 gr); nữ giới và trẻ em thiếu niên có thể chọn loại nhẹ hơn như 4U (80-84 gr) hoặc 5U (dưới 80 gr).
Nếu tính thêm trọng lượng dây và băng quấn cán, chiếc vợt sẽ nặng thêm trên dưới 10 gr nữa.
Chu vi cán vợt (số G)
Ký hiệu ghi bằng chữ G cũng ở trong tem, ngay bên cạnh số chữ U trọng lượng. Số G càng lớn, cán vợt càng nhỏ; người có bàn tay to thường chuộng cán chu vi G2, G3, còn người trung bình trở xuống thường chọn G4, G5.
Như vậy, khi đọc tổng thể tem dán về tính chất vợt, có thể thấy 3UG4 hoặc 4UG5 thường là vợt hợp với người Việt.
Chiều dài vợt:
Chuẩn Min 665mm và Max 680mm
Được các nhà sản xuất ghi ở phần thân vợt. Độ dài tiêu chuẩn của vợt cầu lông từ xưa đến nay là 665 mm; gần đây đã có cải tiến để nâng thêm ưu thế tấn công, người ta sản xuất ra các loại vợt dài hơn (nhưng không vượt quá 680 mm là tiêu chuẩn cho phép). Ngày càng có nhiều loại vợt được ghi “long” hoặc “longsize”, với chiều dài khoảng 675 mm. Hầu hết các chủng loại của Yonex dài 675 mm. Vợt ngắn hay dài là tùy thích, nhưng nên cân nhắc kĩ trước khi mua cái thứ hai (để dự trữ), sao cho vợt sử dụng thường ngày nên cùng một độ dài, sẽ đỡ lúng túng khi thay đổi.
Điểm cân bằng của vợt
Điểm cân bằng của vợt chỉ ra rằng vợt nặng đầu hay nhẹ đầu. Điều này khá quan trọng, ảnh hưởng đến phong cách đánh và hiệu quả thi đấu.
- Vợt Công: nặng đầu (heavy head) hay offensive (công) : phù hợp với các cú đập, đánh mạnh, cầu đi sâu xuống cuối sân.
- Vợt Công – Thủ: cân bằng (even balance)
- Vợt Thủ: nhẹ đầu (light head) hay defensive (thủ) : phù hợp với các cú chặn cầu, cắt cầu. đẩy cầu, chém cầu.
Những khái niệm này có khi được ghi trên thân vợt, chữ khá nhỏ, phải chú ý mới thấy.
Ai trẻ khỏe, hay đập cầu, tạt cầu, lấy thế công làm chính thì thường thích vợt nặng đầu.
Ngược lại, các Bô lão, tuổi trung niên yếu sức hơn, hay đánh zic zac, lấy thế thủ và thế gài cầu làm chính thì thường thích vợt nhẹ đầu.
Ai có lối đánh công thủ tương đối toàn diện thì phù hợp với loại Balance.
Độ dẻo cán vợt:
Có 5 chuẩn căn bản
- Rất dẻo: Đánh cầu lắt léo, khó điều khiển cầu nhưng đối phương khó đoán hướng
- Dẻo: Đánh cầu nhẹ, khéo. Phù hợp lối chơi tiết kiệm sức và nặng về phòng thủ
- Trung bình: Loại này công thủ đều đạt mức độ trung bình. Với người chơi nghiệp dư giỏi loại này rất phù hợp. Khi chọn mua loại này nên chú ý đến trọng lượng và điểm cân bằng để chọn phù hợp với sở trường của mình.
- Cứng: Đánh cầu mạnh. Phù hợp với người trẻ, có sức mạnh.
- Rất cứng: Cú đập cực mạnh, chuẩn xác. Cú giật cổ tay uy lực. Loại này phù hợp với các vận động viên chuyên nghiệp.
Người có lực cổ tay mạnh ưa dùng vợt thân cứng.
Nếu lực cổ tay hơi yếu bạn chọn vợt hơi dẻo (flexible) hơn. Với vợt thân dẻo, độ linh hoạt khi sử dụng cũng cao hơn. Thực tế, các nhà sản xuất cũng có “chiêu” làm tăng độ dẻo thân vợt dù thân làm bằng chất liệu cứng, nói nôm na là “tăng lực”.
Dù sao, hiệu quả sử dụng các loại vợt “tăng lực” này còn tùy vào tài nghệ của bạn chứ không cứ “tăng” là tốt. Ngoài ra, có nhà sản xuất ghi rõ trên thân vợt chữ offensive (công) hoặc defensive (thủ) cho bạn dễ chọn cái hợp “gu”.
Nếu bạn không phải là vận động viên chuyên nghiệp thì việc loại vợt nào chuyên dùng để đánh đơn hay đánh đôi cũng không quan trọng lắm. Dân phong trào thường lấy đánh đôi làm chính.
Mức độ trợ lực
Mức độ trợ lực phân ra 5 cấp:
- Không trợ lực: Cán bằng vật liệu thép, không trợ lực.
- Có trợ lực ít: Cán bằng Graphite thường.
- Có trợ lực: Cán bằng Graphite module cao*.
- Trợ lực cao: Cán bằng Graphite module cao* có pha Titan hoặc cácbon dạng sóng, cấu trúc Nano.
- Trợ lực cao nhất: Cán bằng Graphite module* cao có titan, cấu trúc Nano nhóm, khung vợt rộng bản có muscle.
* Vợt chế tạo từ Graphite module cao mới có khả năng chống xoắn cán khi đập mạnh cầu không trúng đường tâm dọc.
Cân bằng động ( Chỉ số này giúp vợt không rung khi va đập với quả cầu)
Bạn có thể tự kiểm tra bằng cách ép chặt cán vợt lên mặt phẳng, lấy ngón tay bật nhẹ vào đỉnh vợt theo hướng vuông góc, nếu đỉnh vợt rung thẳng, không lắc ngang là vợt cân bằng động tốt, nếu lắc ngang là sản phẩm hỏng bị loại hoặc hàng giả.
Bạn thích loại vợt gì?
Điều quan trọng là bạn không thể mua vợt theo người khác. Bởi vợt là cho bạn. Chọn vợt phải phù hợp cách chơi, thể chất, kỹ thuật lắc tay v.v. của mỗi người vì vậy nghe tư vấn nhưng bạn phải tự biết loại vợt nào phù hợp nhất cho chính mình. Vợt công, thủ hay vừa thủ vừa công, nặng hay nhẹ, cán to hay cán nhỏ? Hãy chọn cái nào phù hợp với sở trường cách đánh của mình.
Các vận động viên đỉnh cao quốc tế luôn dùng vợt do nhà tài trợ cung cấp; thành tích của họ do bài bản và khổ luyện cộng thêm năng khiếu bẩm sinh, chứ không chỉ do cái vợt đắt tiền thuộc model mới nhất mà thành danh!
Sưu tầm
Bình luận