Kinh Nghiệm Cầu Lông: Những lỗi thường gặp trong đánh đôi – Phần 1
Kinh Nghiệm Cầu Lông
Những lỗi thường gặp trong đánh đôi
Có nhiều cách đánh cầu sai cũng như thói quen không đúng mà người mới chơi cầu lông thường mắc phải. Điều này sẽ dẫn đến những lỗi hay sai lầm trong khi chơi, nhất là khi người chơi đang chịu áp lực từ đối phương, khiến “điểm yếu” càng dễ bộc lộ.
Mà thường như vậy! “Cái hay” thì khó học, chứ “cái dở” thì nhiễm rất nhanh và rất lâu! Vì vậy, nếu bạn là người cầu tiến (thích chơi cầu lông giỏi, cho dù chỉ ở mức nghiệp dư) hãy chú ý cách đánh của chính mình và quan sát những người chơi giỏi hơn mình. Khi bạn so sánh được có sự khác biệt giữa cách đánh của mình và của những người giỏi hơn mình, bạn đã có ý thức ban đầu về việc nên chơi như thế nào cho tốt hơn, đúng “sách vở” hơn.
Bài viết này đề cập đến những lỗi chơi cầu lông trong thể loại đánh đôi thường gặp ở người mới chơi, còn non kinh nghiệm. Bạn xem mình có … rơi vào trường hợp nào không nhé!
1/ THƯỜNG XUYÊN ĐÁNH CÚ CHÉO SÂN
Đánh cầu chéo sân có khi là một ý tưởng hay, nhưng cũng có khi là một ý tưởng tồi! Tại sao?
- Nếu bạn đánh quá nhiều cú chéo sân, đối phương nhất định sẽ có lúc “bắt bài”, vì tính bất ngờ từ bạn không còn nữa. Họ thừa sức phán đoán cú đánh tiếp theo của bạn là gì (lại một cú chéo sân chứ gì!) và chờ sẵn ở vị trí thuận lợi nhất để đón đánh đường cầu từ bạn.
- Hơn nữa, đường cầu đi chéo sân thường phải đi một “lộ trình” xa hơn. Khi đó đối thủ của bạn có nhiều thời gian hơn (so với khi phải đón đường cầu đi thẳng) để chuẩn bị họ trong một tư thế tốt nhất nhằm “đáp trả” bạn.
- Vì trái cầu phải di chuyển qua một “lộ trình” dài hơn, nên ở cuối hành trình của mình trái cầu đã đi chậm lại, ít lực. Điều đó lại càng tạo điều kiện thuận lợi cho đối phương đánh trả ít mắc sai sót.
Do vậy, hãy cố gắng chơi đa dạng các đường cầu, các điểm đánh, khiến đối phương khó phán đoán đường trả cầu của bạn.
2/ QUÁ THỤ ĐỘNG TRÊN SÂN
Là tình trạng “đọc báo” trên sân đó. Bất kể bạn đồng đội mình đang có một loạt cầu qua lại (rally) căng thẳng với đối phương như thế nào, bạn vẫn thản nhiên cầm vợt đứng yên tại chỗ, gần như không “động đậy”! Có thể, bạn sẽ thanh minh, “Cầu có đến tôi đâu mà đánh!”. Thực ra, dù không có cầu để đánh, nhưng hành động “đứng yên” (hay chỉ “hụp lên hụp xuống” như một số người chơi nữ trong đánh đôi nam-nữ), vẫn là thói quen rất dở trong đánh đôi. Tại sao?
Khi bạn “đứng yên”, bạn không chứng tỏ mình sẵn sàng tham gia đánh cầu có hiệu quả một khi có cơ hội. Càng “đứng yên” lâu, sức ì của cơ thể càng lớn. Do vậy, cho dù bạn chưa có cơ hội tham gia vào các đường cầu, hãy cứ di chuyển nhịp nhàng (lên xuống, sang phải sang trái) theo từng cú đánh của bạn đồng đội (như các cầu thủ đá banh di chuyển không bóng đó mà), mắt luôn dõi sang phần sân đối phương. Việc này, giúp cơ thể bạn loại bỏ sức ì, luôn năng động, nhịp chân luôn bám sát diễn biến trận đánh. Nhờ vậy, khi cơ hội đến bạn nhất định sẽ hỗ trợ hiệu quả cho bạn đồng đội vì bạn luôn trong tư thế sẵn sàng.
Dĩ nhiên, để biết di chuyển đúng cách bạn phải tìm hiểu về chiến thuật đánh đôi.
3/ GIAO CẦU KÉM
Trong thể loại đánh đôi, giao cầu có vai trò cực kỳ quan trọng (nhất là cú giao cầu ngắn). Vì sao?
Trong đánh đôi lấy tấn công làm chủ đạo. Do, có đến hai người chơi trên một phần sân, họ sẽ bao quát sân tốt hơn, người chơi có thể tấn công nhiều hơn và biết rằng sẽ có đồng đội hỗ trợ phòng thủ. Do đó đối phương sẽ luôn luôn tìm cách đặt bạn dưới áp lực bị tấn công, bị dồn ép, thậm chí sẽ tấn công ngay từ cú giao cầu của bạn.
Nếu bạn giao cầu kém (ra ngoài hay vướng lưới) bạn đã “tặng” cho đối phương một điểm. Nếu bạn giao cầu vào sân, nhưng “ngon ăn” cho đối phương quá, bạn cũng có thể “tặng” cho đối phương một điểm vì cú đập cầu không thể chống đỡ của họ.
Trong một trận đấu, bạn có thể có một lần giao cầu hỏng, điều đó chấp nhận được. Hai lần giao cầu hỏng, còn có thể tha thứ! Nhưng nếu hỏng nhiều hơn? Bạn nên … tập giao cầu lại!
4/ THÍCH ĐẬP CẦU TRONG TƯ THẾ KHÓ
Khi bạn đang ở tư thế khó, mất thăng bằng, bạn muốn tự “giải thoát” mình bằng một cú đập ăn điểm. Ý tưởng thì có vẻ hay, nhưng trong thực tế đó có thể là một lựa chọn kém. Vì sao?
- Khi bạn đang ở một tư thế khó, bạn không thể phát huy hết sức mạnh cũng như kỹ thuật của mình. Không có gì bảo đảm cú đập cầu của bạn “làm chết” đối phương. Có khi, đó lại là cơ hội “tự sát” cho bạn hay bạn trao thế chủ động tấn công lại cho đối phương, do cú đập quá yếu của mình!
Trong trường hợp này, tránh lỗi đánh “tự sát” là điều quan trọng hơn cả. Cần cố gắng trả cầu sang phần sân đối phương sao cho an toàn nhất, rồi “kéo nhau” vào loạt cầu qua lại, chờ cơ hội dứt điểm mới.
XEM PHẦN 2: Những lỗi cơ bản thường gặp trong đánh đôi cầu lông
Nguồn: Cầu Lông Việt Nam
Bình luận