Kinh Nghiệm Cầu Lông: Những lỗi thường gặp trong đánh đôi – Phần 2

Kinh Nghiệm Cầu Lông
Những lỗi thường gặp trong đánh đôi

Trong phần 1 chúng ta đã được chia sẻ về 4 lỗi thường gặp, tiếp theo phần 2 ta sẽ đi tìm hiểu những lỗi thường gặp trong đánh đôi của bộ môn cầu lông.

Phần 1: Những lỗi thường gặp trong đánh đôi – Phần 1

5/ BỘ PHÁP DI CHUYỂN TRÊN SÂN KÉM

Mách bạn cách di chuyển trên sân cầu lông

Bộ pháp di chuyển kém khiến bạn thường xuyên chậm chạp (không di chuyển kịp đón đường cầu), mau mệt (do di chuyển “phung phí” sức lực), dễ mất thăng bằng (hay bị té, dẫn đến những chấn thương) dễ va chạm với bạn đồng đội (không phối hợp hỗ trợ được cho nhau lại còn để lộ những khoảng trống trên sân).

Hãy quan sát (người chơi khác) và cố gắng tự so sánh mình với họ. Nếu thấy họ có vẻ nhanh nhẹn hơn mình, chạy nhẹ nhàng hơn mình, chơi bền lâu hơn mình, không thấy họ hay bị té, có thể không phải vì họ trẻ hơn, khỏe hơn, hay vì họ chơi thiếu nhiệt tình. Có khi là do họ biết cách di chuyển trên sân tốt hơn. Nếu bạn đã nhìn thấy sự khác biệt đó, hãy chịu khó tìm hiểu về bộ pháp di chuyển, và … tập dần. Không có cách nào khác!

6/ THÍCH … QUAY ĐẦU NHÌN RA PHÍA SAU

Nhiều người mới biết chơi cầu lông có thói quen rất nguy hiểm là xoay đầu nhìn ra sau xem bạn mình … đánh ra sao! Bạn hãy nhìn những vận động viên chuyên nghiệp xem có bao giờ họ làm như vậy không. Rất, rất hiếm khi, nếu không muốn nói là không bao giờ!

Thể loại đánh đôi đòi hỏi tốc độ chơi rất nhanh. Do vậy, bạn chỉ có thể dành thời gian ngắn ngủi quý báu của mình (giữa các lần đánh) để “nhìn” đối phương mà thôi (vị trí đánh, cách đánh, hướng đánh, sự chạy sân, …). Còn bạn đồng đội mình đánh ra sao, phần lớn bạn nên học cách “cảm thấy” chứ đừng đòi hỏi phải “nhìn thấy”. Tại sao?

Bạn không thể có đủ thời gian để vừa quan sát đối phương vừa quan sát bạn mình. Hơn nữa, hành động quay sang bên hay ra sau (để nhìn bạn mình) rồi lại xoay ra trước (để nhìn đối thủ) sẽ làm bạn mất tập trung, không ứng phó kịp tình huống. Chưa kể việc xoay trở nhiều dễ là bạn mất sức, bộ pháp rối loạn. Cuối cùng, xoay ra sau, như là “Đi đêm tất có ngày gặp ma!” vậy, rất có thể có lúc bạn “ăn” một cú đập cầu của bạn đồng đội vào mặt hay thậm chí vào mắt! CỰC KỲ NGUY HIỂM. Tôi đã từng có một người bạn bị chấn thương kiểu như vậy, và phải chịu bị múc bỏ hết một con ngươi (thành “Độc nhãn long” luôn)!

ĐỪNG BAO GIỜ QUAY RA SAU KHI BẠN ĐỒNG ĐỘI MÌNH ĐANG ĐÁNH CẦU.

7/ NÂNG CẦU BỔNG QUÁ NHIỀU

Cầu bổng là cơ hội rất tốt để thực hiện những cú đánh nhiều uy lực và dành thế tấn công. Do vậy nếu bạn thường xuyên chỉ đánh cầu bổng (cầu thấp trước mặt, đánh bổng; cầu cao phía sau cũng đánh bổng …), bạn đã dâng cơ hội chiến thắng cho đối phương. Người chơi có kinh nghiệm luôn chờ đợi những đường cầu bổng “hớ hênh”. Một cú đập đầu tiên gây khó khăn, kèm theo một cú đập bồi lần thứ hai hay lần thứ ba, có thể bạn sẽ mất một điểm vì sự sai lầm của mình.

Muốn thắng được đối phương, nói chung, bạn phải thường xuyên đánh cho trái cầu đi xuống (đập cầu, gài nhỏ, chụp lưới, …). Do vậy, đường cầu bổng chỉ nên dành cho khi bạn đang thất thế, cần có nhiều thời gian để trở về vị trí chuẩn bị trên sân. Trong trường hợp này bạn nên cố gắng đánh trả cầu càng bổng, càng sâu càng tốt, sau đó nhanh chóng trở về vị trí chuẩn bị để đón cú đánh tiếp theo của đối thủ.

8/ KHÔNG GIỮ ĐƯỢC BÌNH TĨNH TRÊN SÂN

Thể loại đánh đôi cần sự hòa hợp trong lối chơi và tinh thần của cả hai người. Lỗi lầm của người chơi này hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến tinh thần của người chơi kia, nhất là khi đồng đội đánh những cú dễ mà cũng đánh hỏng thì … thật chán! “Xử trí” trường hợp này cần hết sức tế nhị, đòi hỏi sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau của cả hai người chơi.

Với người hay đánh hỏng, hãy lập tức ghi nhớ những lỗi đánh hỏng của mình, xem xét tại sao lại đánh hỏng, có thể sửa chữa lại trong lần đánh sau không? Nếu hai lần liên tục đánh hỏng cùng một đường cầu giống nhau, bạn hãy nghĩ xem, có nên tiếp tục đánh đường cầu như vậy nữa không, hay cần phải điều chỉnh cách đánh, lối chơi. Đừng cố đánh mãi một kiểu khi kiểu đó đang làm bạn mất điểm liên tục. Hãy tỉnh táo thay đổi lối chơi ngay lập tức. Đừng nghĩ rằng sức “chịu đựng” của bạn đồng đội mình là vô hạn. Nếu bạn không biết “sửa mình”, nhất định điều đó sẽ làm lung lay ít nhiều tinh thần của bạn đồng đội. Vấn đề chỉ là điều đó có bộc lộ ra ngay lập tức trên sân hay không mà thôi.

Nếu bạn mình đang đánh hỏng nhiều quá, đặc biệt những đường cầu dễ, bạn đừng bao giờ gắt gỏng, chê bai hay tỏ thái độ không đồng tình ra mặt. Việc đó chỉ làm đồng đội mình “nản” tinh thần hơn, và “buông” luôn trận đấu. Tốt hơn, hãy nhắc nhở nhẹ nhàng với thái độ tôn trọng và gắng sức mình hơn để hỗ trợ đồng đội vượt qua thời điểm khó khăn, may ra vẫn còn có thể cứu vãn tình thế. Bạn có thấy những vận động viên chuyên nghiệp hay đập tay nhau khi thi đấu đó không? Đó là một cách bày tỏ sự động viên lẫn nhau và duy trì một ý chí đồng đội thống nhất. Hãy làm một cử chỉ tương tự, bạn có thề thấy tinh thần bạn đồng đội sẽ khác.

Hãy nhớ rằng, không ai hoàn hảo. Và, dù sao đây cũng chỉ là trò chơi thôi mà. Giữ được sự vui vẻ sau khi trận đấu kết thúc, điều đó quan trọng hơn tất cả!

Trên đây là bài viết chia sẻ vè kinh nghiệm những lỗi thường gặp trong đánh đôi của bộ môn cầu lông, Cảm ơn bạn đã theo dõi.

  • Xin mời xem thêm các bài viết tiếp theo về cầu lông tại đây: Tag Cầu Lông
...