Bí quyết chọn lưới và cách căng vợt cầu lông phù hợp

  • Chọn cước căng vợt cầu lông hay lưới cầu lông nghe có vẻ đơn giản nhưng khi đi sâu vào quá trình tìm hiểu và phân tích làm thế nào để chọn được một cái lưới cầu lông phù hợp thì quả thật rất phức tạp, ngay cả người đã chơi cầu lông lâu năm cũng khó mà phân biệt hay cảm nhận hết được sự khác biệt của từng loại lưới.
  • Và hầu như mọi người đa số bàn tán về các chủ đề sau khi đã có lưới căng vợt cầu lông trong tay như: đan vợt bao nhiêu kg, hay loại vợt này thì phải căng bao nhiêu để đánh có cảm giác tốt nhất, và mọi người quên mất một điều rằng sợi cước vợt cầu lông mới là một trong những yếu tố quan trọng nhất, nó góp phần quyết định những yếu tố mà mọi người hay tranh luận như: cảm giác nặng – nhẹ khi đánh cầu, đánh cầu để phát ra âm thanh to, nghe đã tai hay để uy hiếp, áp chế tinh thần đối thủ và độ bền của từng loại cước,…

Cước đan vợt cầu lông

  • Trên thị trường lưới đan vợt cầu lông có rất nhiều nhãn hiệu cung cấp các loại cước khác nhau, nhưng ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng thì có khoảng trên 70% người chơi cầu lông sử dụng những sản phẩm của Yonex, một nhãn hiệu cực kỳ uy tín và chất lượng từ Nhật Bản. Nên trong bài viết này mình sẽ chỉ phân tích về các loại cước đan vợt của Yonex (mà sản phẩm của Yonex đã nói hoài không hết).
  • Đường kính dây cước (Gauge)

    Là số chỉ độ dày (đường kính sợi) của sợi cước cầu lông. Số gauge càng nhỏ thì đường kính sợi lưới càng lớn, nghĩa là lưới càng dày. Các thông số gauge 20, 21, 22 thuộc loại standard. Trong khi các gauge 20 micro, 21 micro thuộc loại “biến thể” thêm. Tuy nhiên ở nhãn hiệu Yonex, để dễ phân biệt cho người sử dụng họ đã đặt số gauge chính là số mm(đường kính sợi cước)

    số gauge chính là số mm (0.65 mm)

  • Cũng cần lưu ý là đường kính của dây ở trên là khi chưa đan. Khi đan vào vợt và bị kéo dãn đường kính thực của dây khi đó sẽ giảm chút ít. Lưới dày (số gauge nhỏ) thì bền hơn lưới mỏng (số gauge lớn).
  • Số gauge là một trong những chỉ số được ưu tiên nhất khi chọn cước đan vợt. Dây cước có số gauge nhỏ, đường kính dây lớn, sẽ chịu sức cản gió nhiều hơn, và do đó động tác đánh vợt chạm cầu sẽ chậm hơn. Ngược lại, dây có số gauge lớn, đường kính dây nhỏ, sẽ chịu sức cản gió ít hơn; kết quả là động tác đánh vợt chạm cầu nhanh hơn. Và thường những dây có đường kính nhỏ (dưới 0.69 mm) sẽ trợ trợ lực một phần (đánh cầu nẩy hơn) cho người chơi, nhưng cái gì cũng có cái ưu điểm và khuyết điểm, cước cầu lông có đường kính nhỏ hơn sẽ dễ bị đứt hơn so với cước cầu lông có đường kính dày. Sau đây mình sẽ nói một số đặc tính để phân biệt các loại cước cầu lông Yonex.

  1. High Repulsion: cước trợ lực, đánh cầu nẩy hơn
  2. Durability: bền, xài lâu đứt, tiết kiệm tiền
  3. High Hitting Sound: đánh cầu nghe lớn, đã tai
  4. Shock Absorption: giảm sốc
  5. Control: kiểm soát cầu tốt

Các bạn mới tập chơi nên ưu tiên hai yếu tố đầu tiên (high repulsion và durability) để lựa cước cầu lông, hai yếu tố này sẽ tỷ lệ nghịch với nhau, lưới mỏng sẽ mau đứt nhưng trợ lực tốt hơn cho nên các bạn nên cân nhắc túi tiền của mình để đưa ra quyết định phù hợp nhé.

Đan lưới vợt cầu lông phù hợp

  • Đây là phần quan trọng tiếp theo sau khi đã chọn được lưới đan vợt cầu lông phù hợp. “Đan bao nhiêu kg?” sẽ là câu hỏi tiếp theo. Khi căng lưới vào vợt cần phải kéo căng đến một mức nào đó. Sức căng của lưới khi đó được đo bằng kilogram hay lbs (thể hiện trên máy đo). Nên căng bao nhiêu thì vừa? Không có câu trả lời chung phù hợp cho tất cả mọi người, dù rằng với các loại lưới phổ biến hiện nay, có sức căng là vào khoảng 8-13 kg. Số “kg” nhỏ tức là lưới đan ít căng; còn số “kg” lớn tức là lưới đan rất căng.

 

Cũng cần lưu ý một điều là các bạn không nên đan quá số kg quy định của vợt, chỉ số này sẽ nằm chung với phần chỉ số U và G trên cán vợt và sẽ khác nhau tùy vào cây vợt bạn đang sử dụng, thường thì vợt nặng đầu sẽ cho phép đan số kg lớn hơn ( như cây vợt cầu lông Yonex z-force 2 Lin Dan của mình cho phép đan tới 28 lbs – 12.5 kg)

Vậy điểm khác biệt ở đây là gì?

  • Tại sao lại như vậy? Lưới đan chùng (sức căng thấp) sẽ giãn nhiều hơn khi tiếp xúc trái cầu. Ngay sau khi chạm vào trái cầu lưới co lại độ dài cũ của nó. Chính sự co ngay của lưới đã “tiếp thêm sức mạnh” cho cú đánh, ngoài sức mạnh của người đánh! Trong khi đó, với lưới đã đan rất căng, sự giãn rồi co của lưới là rất ít. Do đó sức mạnh của cú đánh gần như chỉ tùy thuộc sức mạnh của người chơi, chứ không có “sức mạnh được tiếp thêm” từ lưới. Tuy nhiên trong trường hợp này, vì “mọi việc” đều tùy ở người chơi nên điều đó cũng đồng nghĩa người chơi hoàn toàn kiểm soát cú đánh của mình, điều khiển được đường cầu và hướng cầu.
  • Ở người mới tập chơi cầu lông các bạn nên chọn đan vợt ớ mức ít căng (8-9 kg) để lấy thêm sức mạnh cho cú đánh.

Một khi đã quen dần cộng với lực cổ tay ở một mức nhất định các bạn có thể từ từ nâng số kg lên sao cho phù hợp nhất.

Mình đã trình bày xong những kiến thức căn bản khái niệm về các loại cước cầu lông Yonex và cách đan vợt cầu lông dựa theo kinh nghiệm chơi cầu ít ỏi của bản thân mình và các tài liệu mình đã tham khảo. Thông thường ra cửa hàng khi các bạn có nhu cầu đan vợt, người bán hàng sẽ hỏi bạn:” chọn loại lưới nào và đan vợt bao nhiêu kg?”

Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn trả lời được các câu hỏi đó nhé.

Chúc các bạn thành công!

Nguồn: Cầu Lông. Co

...