Hướng Dẫn Chọn Giày Cầu Lông – Bài chia sẻ kinh nghiệm
Trong cầu lông, đôi giày là thiết bị quan trọng nhất. Ngoài việc hỗ trợ di chuyển thì công việc quan trọng nhất của nó là giúp người chơi tránh được các chấn thương. Nhưng không phải ai cũng có thể hiểu đúng và chọn đúng cho mình một đôi giày vừa chân. Hôm nay yêu cầu lông xin hướng dẫn các bạn chọn giày vừa chân, có thể áp dụng trên tất cả các hãng giày không sợ sự khác nhau về cách quy định size số.
Giày thừa dép thiếu liệu có đúng?
Câu trả lời là sai hoàn toàn!
Cái này chỉ đúng với giày bình thường, còn riêng giày thể thao thì không nên chọn đôi giày quá rộng để đi.
Lí do là bởi, thể thao là phải vận động rất nhiều nên giày sẽ rất nhanh bai ra, khi mua đã rộng thì nó dãn ra sẽ cực kì rộng. Lúc đó bàn chân bạn như đang bơi trong giày lúc này giày chả còn có tác dụng gì nữa. hãy xem Video dưới đây Mizuno mô phỏng bàn chân người chơi khi vận động.
Rất nhiều người chơi tôi gặp bị biến dạng hoặc mất hết móng chân bởi vì đã đi 1 đôi giày rộng quá. Vì vậy việc đầu tiên bạn làm là nên chọn 1 đôi giày vừa chân.
- Vậy làm thế nào để chọn được một đôi giày vừa chân?
Để chọn được một đôi giày vừa chân thì chúng ta phải xét tới 3 yếu tố sau:
- Chiều dài bàn chân bạn.
- Bề ngang bàn chân bạn
- Cấu trúc giày
Chúng ta sẽ phân tích từng yếu tố.
- Chiều dài bàn chân.
Trước nay chúng ta chọn giày hay chọn theo size như 40, 41, 42…. Theo kiểu size châu âu. Nhưng mỗi hãng giày lại có 1 quy chuẩn riêng cho mình. Chính vì vậy mà có người đã mua cùng size đó nhưng của 1 hãng khác thì không thể xỏ vừa. Vậy lấy đâu ra cách để chọn được size chuẩn mà không cần nhìn mấy con số đó.
Nếu bạn để ý thì dưới lưỡi gà (phần lót chỗ buộc dây) mỗi đôi giày sẽ có thông số của đôi giày đó. Nó không chỉ có 1 cách tính size theo kiểu châu âu mà còn các cách tính khác : size cho người mỹ (us), cho người Pháp (Fr), size cho người anh (UK) và size cho người Nhật (JP). Chúng ta nên sử dụng cách tính size cho người Nhật. Tại sao lại vậy? Bỏi vì size cho người Nhật họ tính theo chiều dài bàn chân (từ gót chân tới ngón dài Nhất) với cách này thì chúng ta có thể tính chính xác được không cần phải áng chừng , và Thể trạng người Nhật cũng khá giống người Việt Nam nên không chỉ giày mà quần áo chúng ta cũng mặc rất vừa.
Công việc bây giờ là bạn hãy kiếm 1 cái thước đo chính xác bàn chân mình có chiều dài bao nhiêu centimet. Sau đó chúng ta sẽ tiến hành chọn size giày ?
Size giày sẽ lớn hơn chiều dài bàn chân từ 0.5-1,5cm. Ví dụ chân bạn 25cm thì bạn có thể sẽ đi giày size 26cm, 26.5cm hoặc 27cm. Đến đây bạn sẽ thấy loạn khi có đến 3 size để mình chọn??? Vậy chọn size nào?
Để chọn được size nào trong 3 size trên thì bạn hãy chuyển sang phần 2. Bề ngang bàn chân
2. Bề ngang bàn chân
Trước nay, chúng ta chỉ chọn giày theo chiều dài chân. Trước ta đi 41 thì mua đôi sau cũng cứ 41 mà chọn. Như vậy cũng không hẳn sai nhưng nó sẽ không cho bạn sự thoải mái nhất khi đi đôi giày đó.
Mỗi người có cấu trúc bàn chân khác nhau. Nhưng về cơ bản chúng ta có thể chia ra 3 loại bàn chân thông dụng nhất gồm: Bàn chân bình thường (hay còn gọi là bàn chân tiêu chuẩn), chân bè (rộng bề ngang và ngắn chiều dọc) và bàn chân bất đối xứng (chân hơi quái dị ấy :d).
Để biết được bàn chân mình thuộc dạng nào thì bạn có thể nhìn quan sát bằng mắt thường, hoặc có 1 cách chuẩn nhất là bạn làm bàn chân mình ướt và dẫm lên 1 chỗ nào đó dễ nhìn bóng- So xem nó giống bàn chân nào nhất trong ảnh.
Với những người có bàn chân bình thường thì bạn chỉ cần chọn giày dài hơn bàn chân từ 0.5-1cm.
Đối với người có bàn chân Bè và bất đối xứng thì chọn giày dài hơn chân từ 1-1.5cm
Tuy nhiên thì không phải ai cũng chuẩn chỉ như 3 kiểu trên được, cũng có lúc bạn béo lên hoặc gầy đi bàn chân cũng sẽ thay đổi theo. Hãy xét nốt yếu tố cuối cùng cấu trúc giày
3. Cấu trúc giày
Các hãng sản xuất giày ngày nay không chỉ sản xuất tất cả các loại giày cấu trúc giống nhau. Với đội ngũ nghiên cứu thì họ làm ra nhiều mẫu giày phù hợp với từng kiểu chân cũng như tính năng mà người chơi mong muốn.
Trước nay chúng ta vẫn chọn giày theo màu sắc, kiểu dáng trước chứ ít người chọn theo tính năng, công năng của giày. Thậm chí còn có 1 bộ phận chọn giày chơi cầu lông của những môn khác vào. Điều này thực sự coi thường sức khỏe của bản thân.
Về cấu trúc giày thì các hãng cũng sản xuất ra 3 loại cấu trúc chính: Giày dành cho người chân bình thường kí hiệu 2E, giày dành cho người chân bè thường kí hiệu 3E, và giày dành cho người chân dị thường thì có nhiều kiểu khác nhau như 4E, hoặc giày slim (siêu mỏng). E ở đây là chỉ độ rộng bề ngang của giày như đã nói ở mục 2 trên. Để nhận biết các mẫu giày thuộc cấu trúc nào bạn hãy nhìn tag dán trên giày lúc mới mua, sẽ có kí hiệu như ảnh bên.
Chúng ta điểm qua cấu trúc giày của 1 số hãng lớn nhé.
Phổ biến nhất mà nhiều người quen mặt nhất phải kể tới là Yonex.
Yonex có 4 dòng giày chính :
- ST (Stability) – Độ ổn định cao: SHB 01MX, SHB 01LTD, shb 02, shb 02ltd
- L (Light) – Dòng giày siêu nhẹ: F1, F1 Neo, Aerus
- S (Standard) – Tiêu chuẩn (hay chuẩn mực): 65, 65
- W, SC (Ultimate Cushion) – Dòng giày êm: SC6, SC5,…
Trong đó dòng ST và dòng S thường là dành cho người chân bình thường. Nhưng gần đây mẫu SHB 65W(Wide) là giày giành cho người chân bè. Mẫu L và SC thường dành cho người chân bè hoặc dị thường. Tiêu biểu như đôi SC6 là mẫu giày 4E dành cho người chân rất lớn, người đậm đô con hay mẫu Aerus dành cho người chân rất thon nhỏ. Nếu chân bạn thuộc cấu trúc bình thường mà bạn đi đôi SC6 hay Aerus thì sẽ rất khó chịu.
Ngoài ra thì Yonex còn có 1 số mẫu chuyên về khả năng. Hỗ trợ các lối chơi khác nhau như bật nhẩy cao là SHB 87lTD, dòng thiên về độ bền là SHB 87R. ….
Mizuno thì có các dòng cơ bản sau:
- Dòng dành cho người chân bình thường: Wave Fang Pro
- Dòng dành cho người chân bè : wave fang RX
- Dòng dành cho người thích bật nhẩy: Wave fang smash Lo
- Dòng hỗn hợp gồm các mẫu khác nhau dành cho nhiều kiểu chân khác nhau: Wave fang SS
Victor thì hơi khác lạ chút. Victor chia làm 3 loại chính : Speed, Support và All –Around.
Các bạn có thể tham khảo ở đây : http://www.victorsport.com/product/footwear
Nói dài dòng văn vở nãy giờ thì tổng kết lại chỉ có mấy Keyword sau:
- Đo chiều dài chân, chọn chiều dài giày theo chuẩn của thánh nữ Maria.
- Xem hình dáng kích thước chân theo thuộc thể thống nào.
- Tìm mẫu giày phù hợp.
Có nên chọn giày các môn thể thao khác để chơi cầu lông không?
Câu trả lời là tùy vào đôi giày bạn định chọn.
Đúng nếu bạn chọn 1 đôi giày của môn thể thao khác nhưng có cách di chuyển tương đồng với cầu lông.
Cầu lông là môn thể thao tốc và chiến thuật. Tuy di chuyển trong 1 khoảng tương đối nhỏ nhưng đòi hỏi cực nhanh và đôi khi bị đối phương đưa vào chiến thuật của họ thì bạn dễ bị chấn thương nếu di chuyển không tốt. Vì vậy mà bạn cần 1 đôi giày phù hợp. Những đặc điểm chính của một đôi giày cầu lông cần có:
- Độ ổn định – bám sàn tốt
- Chống lật cổ chân
- Khả năng hấp thụ sốc
Đấy là 3 yếu tố quan trọng nhất ngoài ra còn rất nhiều yếu tố giúp bạn thi đấu hiệu quả hơn như:
- Thoáng khí
- Ôm chân, tạo sự thoải mái
- Nhẹ
- Các tính năng hỗ trợ: như bền, bật nhẩy cao, bền, hay khử mùi …
Cụ thể là mấy đôi giày Indoor của Asics. Mình cực kì đánh giá cao Asics và Mizuno bởi 1 lẽ họ là 1 thương hiệu về giày lâu năm. Họ chuyên nghiên cứu và phát triển các mẫu giày nên giày của họ cực kì tốt. Ở Việt Nam chưa phổ biến thôi, còn mấy anh tây mũi lõ thì sử dụng cực kì nhiều.
Ví dụ bạn có thể chọn 1 đôi Indoor dành cho bóng Quash.
Sai ! Nếu bạn chọn 1 đôi giày của 1 môn thể thao hoàn toàn không tương đồng với cầu lông như bóng chuyền và Tennis. Giày cầu lông đặc điểm cơ bản nhất là đế thấp và bằng. Nếu bạn sử dụng 1 đôi giày bóng chuyền – giày cao và cứng. Bóng chuyền các vận động viên chủ yếu di chuyển về phía trước và bật nhẩy cao nên giày thường đế cao và rất cứng. nếu sử dụng chơi cầu lông bạn hay phải di chuyển ngang, ra sau thì rất dễ dẫn đến lật cổ chân. Cũng như vậy với tennis- môn thể thao chủ yếu di chuyển ngang nên giày thường rất cứng. Bạn sẽ rất khó để di chuyển tốt khi chơi cầu lông.
Với bài viết này mình hi vọng sẽ giúp được các bạn chọn cho mình một đôi giày phù hợp. Nếu có thắc mắc hay góp ý gì đừng ngại ngần để lại bình luận phía dưới.
Nguồn: Yêu Cầu Lông
Bình luận