Quần vợt Việt Nam hưởng lợi từ xã hội hóa

TTO – Hơn một năm qua, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF) đã nỗ lực cải tiến, hoàn thiện hệ thống thi đấu cũng như xây dựng hệ thống điểm giúp cho các vận động viên có nhiều giải thi đấu, trong đó giá trị giải thưởng tăng cao…

Những sự thay đổi tích cực đó không đơn thuần là công sức của VTF mà còn có sự đóng góp rất lớn từ các doanh nghiệp từ công sức, nhiệt huyết và cả về tài chính. 

Theo số liệu thống kê của VTF, nếu VTF đầu tư trên dưới 6 tỉ đồng/năm thì nguồn vốn thu hút từ xã hội hóa ước khoảng 15 tỉ đồng/năm.

Becamex Bình Dương không còn đơn độc

Ông Thái Trường Giang (nâng cúp) cùng bộ máy điều hành chuyên môn của CLB Hải Đăng – Tây Ninh. Ảnh: D.H.H

Nếu như trước đây, quần vợt Việt Nam (QVVN) chỉ có mỗi Becamex Bình Dương (BBD) đầu tư bài bản và đã cho ra lò nhiều tay vợt hàng đầu mà nổi bật nhất là tay vợt số 1 Việt Nam từ 2012 đến nay là Lý Hoàng Nam, cũng như vừa mới trình làng tay vợt 18 tuổi Nguyễn Văn Phương được dự đoán sẽ tiếp bước Hoàng Nam, thì giờ đây còn có sự xuất hiện Trung tâm Đào tạo quần vợt Đà Nẵng (DTTC) vào cuối năm 2018.

Với chủ trương xã hội hóa, DTTC được thành lập từ nguồn tài trợ 70 tỉ đồng trong 7 năm của Tập đoàn Sun Group. Giám đốc trung tâm là cựu HLV tuyển quần vợt VN Trương Quang Vũ cho biết hiện có 36 VĐV trẻ đến từ Đà Nẵng, Sơn La, Thanh Hóa, Hà Nội… Mục tiêu của trung tâm là sẽ tạo điều kiện cho hầu hết VĐV tham dự các giải trẻ quốc tế từ năm 14 tuổi với lộ trình rõ ràng: 5 năm nữa sẽ có VĐV ít nhất nằm trong tốp 100 trẻ thế giới và tranh tài tại Grand Slam trẻ.

Trong khi đó, TP.HCM tiếp tục được tiếp sức từ nguồn tài trợ của Tập đoàn Hưng Thịnh và chủ tịch HĐQT Nguyễn Đình Trung cũng chính là chủ tịch Liên đoàn Quần vợt TP.HCM.

Thế nhưng, sự xuất hiện muộn màng nhất trên bản đồ quần vợt Việt Nam của Công ty cổ phần Hải Đăng (Tây Ninh) mới là ấn tượng khi được đầu tư bài bản nhất và được các chuyên gia dự đoán quần vợt Tây Ninh sẽ sớm là ngọn cờ đầu của quần vợt Việt Nam.

CLB quần vợt Hải Đăng tạo nhiều dấu ấn

HLV Marcos phụ trách thể lực và dinh dưỡng luôn bên cạnh các VĐV từ sân bóng đến hồ bơi, phòng gym và cả nhà ăn. Ảnh: Đ.H.H

Không chỉ có cụm 4 sân quần vợt (tương lai sẽ là 9 sân nếu thương lượng mua thêm được đất của người dân), CLB quần vợt Hải Đăng còn có hai hồ bơi, phòng gym, khu nhà ở cho VĐV, nhà hàng… và đặc biệt là tất cả VĐV đều được học văn hóa, đồng thời có chuyên gia dinh dưỡng chăm sóc chế độ ăn uống, sinh hoạt.

Ngoài giám đốc điều hành CLB là ông Christian Brydniak (Thụy Điển) làm việc ở VN từ 2014 và trực tiếp huấn luyện giúp Hoàng Nam đoạt danh hiệu vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015, đội ngũ vận hành CLB Hải Đăng còn có Enrique Marcos Pizzorno, HLV thể lực từng huấn luyện cho Del Potro (hạng 4 thế giới hiện nay) trong hai giai đoạn lúc 11-13 tuổi và 15-17 tuổi; Ivan Miranda (Peru, 38 tuổi, từng xếp hạng 104 thế giới) – HLV cho các tay vợt từ 14 đến 18 tuổi và đội ngũ HLV VN phụ trách các tuyến trẻ từ U10 đến U14 với người đứng đầu và cũng là phó giám đốc Trung tâm thể thao Hải Đăng là Nguyễn Phi Anh Vũ, người từng huấn luyện Lý Hoàng Nam từ 10 đến 12 tuổi.

Và “linh hồn” của “ngôi sao mới” không ai khác chính là ông Thái Trường Giang – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hải Đăng.

Không chỉ đầu tư cho quần vợt tỉnh nhà, ông Giang đã sẵn lòng chia sẻ vô điều kiện 50% kinh phí với BBD trong việc đưa Nam đi tập huấn và thi đấu ở nước ngoài với mục tiêu đưa Nam đang ở tốp 400 vào tốp 300 thế giới. 

Cũng ông Giang đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho tay vợt Nguyễn Văn Phương của BBD trong chuyến đi từ Bỉ qua Pháp, Thụy Điển, Hà Lan và Anh để tập luyện, thi đấu trên hai mặt sân đất nện, sân cỏ cũng như thi đấu hai giải trẻ Grand Slam ở Roland Garros và Wimbledon, từ ngày 23-5-2019 đến giữa tháng 7-2019.

Với sự đầu tư bài bản cùng chiến lược đào tạo và mục tiêu cụ thể, đội Hải Đăng đã dễ dàng đoạt chức vô địch đồng đội nam quốc gia vừa kết thúc hôm 22-5. Trước đó, tại Giải quần vợt năng khiếu vô địch toàn quốc 2019 diễn ra ở Đắk Lắk, các tay vợt trẻ Hải Đăng với đa số đến với giải không phải là hạt giống nhưng đã đoạt 2 HCV, 6 HCB và 5 HCĐ, duy nhất nội dung đơn nam U16 là không có huy chương.

Đáng chú ý, các tay vợt Hải Đăng đã thua 4/5 trận chung kết trước Hưng Thịnh TP.HCM, mà đoàn TP.HCM đến với giải gồm 35 VĐV cùng 6 HLV.

Một thành tích thật đáng nể khi Hải Đăng chỉ thật sự “làm” quần vợt đỉnh cao mới được… 1 năm, và sẽ không nói quá, trong tương lai gần Hải Đăng – Tây Ninh sẽ thách thức phần còn lại của QVVN.

Thể thao bao giờ cũng có người thắng, kẻ thua. Nhưng chính sự cạnh tranh sòng phẳng, quyết liệt mà trong sạch từ cách doanh nghiệp đầy nhiệt huyết mà quần vợt Việt Nam đang được hưởng lợi rất lớn từ những “cuộc tình” đẹp nhờ xã hội hóa.

ĐẶNG HOÀNG | https://thethao.tuoitre.vn

...