Nguyễn Thị Ánh Viên

Nguyễn Thị Ánh Viên (sinh ngày 9 tháng 11 năm 1996 tại ấp Ba Cau, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) là 1 nữ vận động viên thuộc đội tuyển bơi lội quốc gia Việt Nam. Khi 19 tuổi cô đã giành 8 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng cho Việt Nam và phá 8 kỷ lục và được công nhận là vận động viên ngoài Singapore xuất sắc nhất tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2015 ở Singapore.[1][2][3], với 8 huy chương vàng giành được, Ánh Viên là người giành nhiều huy chương vàng thứ 2 sau vận động viên bơi lội nam Joseph Schoolingcủa Singapore tại Seagame 28. Cô còn đứng thứ 25 thế giới cự ly 400m tự do của nữ và thứ 9 thế giới nội dung 400m hỗn hợp.[4] Năm 2015, cô là đại úy quân đội trẻ nhất tại Việt Nam và được tặng Huân chương lao động hạng nhì.[3]

Cô cũng là vận động viên duy nhất của Việt Nam, từ khi hội nhập 1993, được đầu tư trọng điểm. Việc tập huấn dài hạn trong 6 năm tại FloridaHoa Kỳ, cường quốc số 1 về bơi lội, của cô có kinh phí lên tới gần 7 tỷ đồng.[5]

Sự nghiệp thể thao[sửa | sửa mã nguồn]

Ban đầu được ông nội dạy bơi, đến khi học lớp 5, Ánh Viên được nhà trường chọn đi thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện. Với thành tích xuất sắc, Ánh Viên tiếp tục được chọn đi thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố. Và tại đây, Ánh Viên đã được các huấn luyện viên của Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9) lựa chọn. Khi mới 16 tuổi, cô đã cao 1m7, sải tay dài 1,78 m, bàn chân to và có các nhóm cơ suôn dài. Đây là những tố chất rất thích hợp với môn bơi.[6][7]

2011

Năm 2011, Nguyễn Thị Ánh Viên đã đạt được 10 HCV trong 10 nội dung đăng ký thi đấu tại Giải bơi lội các nhóm tuổi vô địch toàn quốc. Tại SEA Games 26 tổ chức tại Indonesia, cô đã giành được 2 HCB ở nội dung 100 m bơi ngửa và 400 m hỗn hợp.

2012

Năm 2012, Nguyễn Thị Ánh Viên phá chuẩn B Olympic ở nội dung 200 m bơi ngửa với thời gian 2 phút 13 giây 66, giành HCV, vượt 4 chuẩn B Olympic tại Giải bơi lội Đông Nam Á. Ánh Viên đã đại diện cho Việt Nam tại Thế vận hội Mùa hè 2012, trong các môn 200m bơi ngửa và 400m bơi hỗn hợp cá nhân.[8][9]

2013

Tại Đại hội Thể thao trẻ châu Á lần 2 diễn ra ở Nam Ninh, Trung Quốc (từ 19 – 22/8), Ánh Viên giành được 4 huy chương (3 HCV, 1 HCB). Tại SEA Games 27 diễn ra ở Myanmar (12/2013), Ánh Viên giành được 6 huy chương (3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ), phá 2 kỷ lục Sea Games ở các cự ly 200 m ngửa (2 phút 14 giây 80) và 400 m hỗn hợp (4 phút 46 giây 16), được bình chọn là ” Ấn tượng vàng SEA Games 27 “.[10]

Ngày 26 tháng 8 năm 2013, Nguyễn Thị Ánh Viên được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đặc cách trao cho quân hàm Thượng úy [11] Quân nhân chuyên nghiệp và khen thưởng vì những thành tích mà cô đã đạt được khi đem về cho thể thao Việt Nam nhiều vinh quang [12].

2014

Cuối năm 2013, sau khi thi đoạt 3 huy chương vàng tại SEA Games 27 (diễn ra tháng 12 năm 2013 tại Myanmar) và đoạt 4 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, phá kỷ lục cự ly 400m hỗn hợp tại Giải bơi Mùa xuân bang FloridaMỹ(tháng 3-2014), Ánh Viên được Bộ tư lệnh Quân khu 9 đã tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và Bộ Quốc phòng thăng quân hàm từ Thượng úy lên Đại úy trước niên hạn. Lúc đó, Nguyễn Thị Ánh Viên mới chỉ 18 tuổi[13].

Tháng 8 năm 2014, Ánh Viên đoạt huy chương vàng Olympic trẻ nội dung 200m hỗn hợp.

Tháng 9 năm 2014, Ánh Viên đoạt 2 huy chương đồng nội dung 200m ngửa và 400m hỗn hợp tại Đại hội thể thao châu Á (Asian Games 2014)

2015

Sau gần 2 năm khoác áo câu lạc bộ bơi Saint Augustine (bang Florida), Ánh Viên chuyển sang khoác áo CLB nổi tiếng Ebiscobal và được dẫn dắt bởi chuyên gia Cray Anthony Teeters, một trong những HLV giỏi nhất của làng bơi lội Mỹ. Ánh Viên được nhận đầu tư hàng tỷ đồng để tập huấn dài hạn ở Mỹ, quốc gia có môn bơi phát triển nhất thế giới và đã được đền đáp xứng đáng.[6]

Tại chặng một FINA World Cup 2015 tại Moscow, Nga, Ánh Viên đã xuất sắc mang về 2 tấm huy chương danh giá cho đoàn thể thao Việt Nam: huy chương đồng ở nội dung 200m hỗn hợp và huy chương bạc ở nội dung 400m hỗn hợp cá nhân. Tại chặng 2 ở Paris, Ánh Viên tiếp tục giành thêm 1 tấm huy chương Bạc nội dung 400m hỗn hợp cá nhân.

FINA World Cup là giải bơi đứng thứ 4 về độ danh giá trong hệ thống các giải bơi cấp thế giới sau World Championships, Olympic, FINA World Master Championships và có thể không quy tụ những VĐV xuất sắc nhất.

Sau khi đạt thành tích vô cùng ấn tượng tại Sea Games 28, Ánh Viên được đề xuất thăng hàm từ Đại úy lên Thiếu tá.

2017

Cô đã lập kỉ lục khi có riêng cho mình 8 chiếc HCV ở các nội dung 200m tự do, 50m ngửa, 400m hỗn hợp, 200m hỗn hợp, 800m tự do, 400m tự do, 200m ngửa, 100m ngửa; hai HCB ở các nội dung 200m ếch, 100m tự do và phá 3 kỉ lục của Sea Games.

Cá nhân

Ánh Viên rất mạnh mẽ khi thi đấu nhưng ngoài đời là một cô gái hiền lành và có phần hơi nhút nhát. Cô yêu thích môn lịch sử và ngán nhất là ăn. Vì với chế độ ăn uống nghiêm ngặt của vận động viên đỉnh cao, hàng ngày Ánh Viên có 4 bữa ăn chính, chưa kể các bữa phụ. Trong đó, bữa chính có ít nhất 1 kg thịt bò, 50 con tôm, 1 đĩa mỳ to, 1 đĩa rau trộn, 1 lít sữa tươi[14].

Vì phải thường xuyên tập huấn liên tục, cô không có nhu cầu chi xài, hầu hết tiền cô nhận được đều gửi về cho cha mẹ. Nhờ số tiền đó mà họ đã xây được nhà cửa khang trang.

Cô phát biểu tại SEA Games 28:[5]

Tôi đã giành nhiều huy chương, phá nhiều kỷ lục ở SEA Games, nhưng tôi sẽ không ngừng phấn đấu. Nếu tôi hài lòng với những gì đã đạt được, tôi là kẻ thất bại ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ tới ngày mai. Tôi không nhớ đến chiến thắng, mỗi ngày đều nỗ lực như chưa giành được gì.

Những nhận xét về Nguyễn Thị Ánh Viên

Joseph Schooling(kình ngư số 1 Singapore): “Cô ấy đã thực hiện mọi thứ một cách chuẩn mực, tôi chưa từng thấy một vận động viên nào làm được như vậy. Ánh Viên có một trái tim thép, tinh thần thi đấu vô cùng tuyệt vời. Tôi thấy vui bởi những thành tích cô ấy đạt được”.[15]

Báo The Straits Times của Singapore: Ánh Viên là vận động viên giá trị nhất của đoàn thể thao Việt Nam.

Báo The New Paper đặt cho Ánh viên biệt danh “Cô Gái Thép”.[16]

Huấn luyện viên David Lim của đội tuyển bơi lội Singapore: Ánh Viên đã tiến bộ rất đáng kể, cô ấy tập luyện cùng thời điểm với đội tuyển Singapore và chúng tôi thấy cô ấy thể hiện rất tuyệt”.[17]

Tham khảo

  1. ^ Singapore Swim Association. “SEA Swim Championship results” (PDF). Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2012.
  2. ^ “Giải vô địch bơi lội Đông Nam Á”. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2012.
  3. a ă “Ánh Viên nhận Huân chương Lao động hạng nhì”. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2015.
  4. ^ “Ánh Viên đang ở đâu trên bản đồ bơi thế giới”. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2015.
  5. a ă “Ánh Viên: ‘Em muốn có nhiều hơn 8 HC vàng’”. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2015.
  6. a ă Singapore Swim Association. “Khoảnh khắc Ánh Viên, Quý Phước khiến CĐV Việt rớt nước mắt”. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2015.
  7. ^ “Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã bơi ra biển lớn”.
  8. ^ “Đoàn Việt Nam ra quân ngày đầu ở Olympics”BBC Vietnamese. Ngày 22 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2012.
  9. ^ “Thi Anh Vien Nguyen”. london2012.com. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2012.
  10. ^ “Đại úy Nguyễn Thị Ánh Viên – Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2013”. Truy cập 24 tháng 11 năm 2014.
  11. ^ “Nguyễn Thị Ánh Viên: Kình ngư 17 tuổi được đặc cách phong hàm thượng úy”. Báo Lao động. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2013.
  12. ^ “17 tuổi, “kình ngư” Ánh Viên được phong quân hàm thượng úy”. CADN online. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2013.
  13. ^ “Ánh Viên là Đại úy của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.
  14. ^ “10 bí mật của ngôi sao bơi lội Ánh Viên – Ngôi sao”. Chuyên mục văn hoá giải trí của VnExpress. Truy cập 11 tháng 6 năm 2015.
  15. ^ Kình ngư Schooling nhận xét về Ánh Viên
  16. ^ Báo chí Singapore phát choáng vì Ánh Viên
  17. ^ Cả Đông Nam Á săn đón Ánh Viên
...