10 Bước Bất Biến Trong Một Kế Hoạch Mở Cửa Hàng Thể Thao Mới

Thị trường thể thao Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh nhất, doanh thu hàng thể thao chính hãng từ 4,5 nghìn tỷ đồng năm 2014 lên 6,5 nghìn tỷ năm 2017, dự báo năm 2020 sẽ tăng lên gần 8 nghìn tỷ.


Kinh doanh thể thao chính hãng đang là xu hướng thu hút các nhà đầu tư

Thị trường tăng trưởng mạnh do đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Xu hướng làm đẹp gắn liền với sức khỏe có tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực kinh doanh này.

Đáp ứng nhu cầu này của thị trường, nhiều nhà đầu tư liên tục mở các cửa hàng thể thao, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai mở cửa hàng cũng thành công. Bài viết này chia sẻ 10 bí quyết giúp bạn mở một cửa hàng thể thao thành công.

1. Hiểu biết về thị trường và khách hàng

Trước hết, bạn cần hiểu biết chung về nhu cầu của thị trường, mỗi nhóm khách hàng có những nhu cầu khác nhau, mỗi bộ môn lại có những nhóm sản phẩm khác nhau phục vụ cho từng mục đích cụ thể. Nếu bạn chỉ hiểu biết chung chung mà không có kinh nghiệm, bạn rất dễ mắc sai lầm dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ.

  • Một khách hàng có thu nhập cao sẽ không quan tâm tới giá đôi giày muốn mua, họ cần bạn tư vấn về chất lượng, nguồn gốc, thương hiệu và công nghệ của đôi giày.
  • Một khách hàng bình dân thì lại cần mua đôi giày giá mềm hơn và thường so sánh giá cả, tính năng giữa các sản phẩm khác nhau, họ cân nhắc khá kỹ trước khi quyết định.
  • Những người có thu nhập thấp hơn chỉ quan tâm đến giá cả của sản phẩm và thường mua đôi giày có giá thấp hoặc các sản phẩm qua mùa, đang giảm giá.

Bạn không thể phục vụ hết tất cả các nhu cầu của khách hàng. Thay vào đó, bạn nên chọn một nhóm khách hàng mục tiêu và làm tốt hơn nhiều so với đối thủ của bạn. Nếu ôm đồm nhiều nhóm khách hàng bạn sẽ phải đầu tư hàng hóa dàn trải và đội vốn lên rất cao, hàng tồn kho nhiều và rủi ro đến tài chính của bạn.

Một số câu hỏi giúp bạn xác định tập khách hàng của mình như: 

  • Khu vực bạn định mở cửa hàng thì người dân thường chơi những môn thể thao gì?
  • Người dân sẵn sàng chi bao nhiêu cho các hoạt động thể thao?
  • Họ thích thương hiệu gì (Nike, Adidas, …).

Hiểu rõ khách hàng giúp bạn biết được khách hàng cần gì, từ đó chọn được mặt hàng phù hợp của cửa hàng theo nhu cầu của đa số khách hàng.


2. Hiểu biết về sản phẩm và thương hiệu

Khi bạn đã xác định được nhóm khách hàng mục tiêu, bước tiếp theo là lựa chọn thương hiệu và sản phẩm để kinh doanh. Trên thị trường có hàng trăm thương hiệu về quần áo, giày dép và dụng cụ thể thao. Mỗi thương hiệu lại có rất nhiều mẫu mã sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu khác nhau. Mỗi mẫu sản phẩm lại có nhiều màu sắc, kiểu dáng và kích cỡ khác nhau.

Một số thương hiệu nổi tiếng như Nike hay Adidas có đến hàng trăm mẫu giầy, quần áo với các công nghệ khác nhau, giá cả cũng rất đa dạng. Nếu không hiểu biết về sản phẩm, bạn sẽ không biết nên nhập loại giày nào, công nghệ gì, giá cả bao nhiêu.

 

3. Tìm nguồn hàng đảm bảo chất lượng

Để tìm được các nhà cung cấp uy tín và mặt hàng thể thao đảm bảo chất lượng và có chính sách chiết khấu tốt không phải là điều dễ dàng. Bạn phải làm việc với nhiều đầu mối đối tác, kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, có hóa đơn chứng từ đầy đủ.

 

4. Chọn địa điểm mở cửa hàng

Chọn địa điểm mở cửa hàng là yếu tố quyết định đến sự thành công của bạn. Tùy theo quy mô hàng hóa, mức vốn đầu tư và dự báo doanh thu hàng tháng để tìm được mặt bằng phù hợp nhất.  

Bạn cần xem xét các yếu tố sau khi chọn địa điểm mở cửa hàng: Nơi đông dân cư, gần các sân tập thể thao, mặt phố kinh doanh sầm uất, giao thông thuận lợi, có chỗ để xe … Ngoài ra, trong vòng bán kính 3 km, bạn cần phân tích dữ liệu dân cư, thói quen mua sắm của người dân và những môn thể thao người dân địa phương yêu thích.

 

 

5. Trưng bày sản phẩm tại cửa hàng

Thiết kế cửa hàng và trưng bày hàng hóa là khâu khiến bạn đau đầu nhất. Bạn cần định vị rõ hình ảnh cửa hàng, phân khu trưng bày hàng hóa để làm sao vừa thuận tiện cho khách hàng xem, lựa chọn và thử đồ vừa tạo được cảm giác hàng hóa đa dạng, phù hợp với đúng khách hàng mục tiêu.

Bạn có thể phân khu hàng hóa theo bộ môn hoặc theo thương hiệu tùy theo diện tích cửa hàng và mục đích kinh doanh của bạn. Nếu cửa hàng nhỏ, bạn cũng có thể phân theo thể loại hàng hóa như quần áo, giày dép, phụ kiện …

6. Quản lý hàng tồn kho và tránh thất thoát

Phần lớn các cửa hàng đều đối mặt với vấn đề hàng tồn kho: Mẫu mới về liên tục, nhà cung cấp liên tục nhắn bạn nhập hàng mới kẻo hết. Hàng hóa rất đẹp và bạn nghĩ sẽ bán được, nhưng khi nhập về doanh số bán hàng cứ lẹt đẹt. Một thời gian sau, tiền không thấy đâu, hàng thì chất đống.

Để kiểm soát tốt hàng hóa, bạn phải tạo mã hàng, kiểm soát lượng hàng hóa bán ra hàng ngày, lượng hàng hóa nhập vào và cân đối hàng tồn kho, theo dõi để tránh thất thoát hàng hóa. Bạn nên sử dụng phần mềm bán hàng chuyên dụng thay vì theo dõi thủ công để đảm bảo việc kiểm soát hàng hóa luôn chính xác. Quản lý hàng hóa khoa học không những giúp bạn kiểm soát tốt hàng tồn kho mà còn tránh được thất thoát hàng hóa.


7. Tăng hiệu suất quay vòng vốn

Khả năng quay vòng vốn càng nhanh thì bạn càng tạo ra được nhiều lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư của mình. Nếu tính toán không tốt, một số sản phẩm nhập về có thể mất 1 năm, thậm chí 2 năm mới bán được, trong khi đó nhiều mặt hàng thể thao chỉ bán trong mùa, thời gian quay vòng vốn từ 2 đến 4 tháng. Bạn nên ưu tiên nhập hàng hóa có thể tiêu thụ hết trong 2 đến 4 tháng là phù hợp.

Tỷ lệ hàng hóa gãy size cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và làm gia tăng lượng hàng tồn. Ví dụ khi bạn kinh doanh quần áo thể thao, bạn cần phải biết được tỷ lệ phần trăm số người mặc cỡ S, M, L, XL là bao nhiêu để nhập hàng cho phù hợp.


8. Tính toán hiệu quả kinh doanh

Với số vốn định đầu tư, bạn sẽ phải tính toán cẩn thận để các khoản chi hợp lý nhất. Các loại chi phí cho một cửa hàng như: chi tiền thuê mặt bằng, mua hàng hóa, thiết kế, trang trí cửa hàng, tiền lương nhân viên, tiền marketing và nhiều nhiều các chi phí hoạt động khác.

Sáu tháng đầu là thời điểm khó khăn nhất khi mở một cửa hàng. Nếu bạn vượt qua được giai đoạn này mà không bị lỗ quá nhiều, bạn sẽ thành công. Trong thời gian này, bạn cần đầu tư marketing và giảm giá để thu hút khách hàng, tăng doanh thu bán hàng.

Thông thường bạn sẽ không hình dung hết những chi phí phát sinh nếu bạn chưa có kinh nghiệm. Bạn nên hỏi ý kiến từ những người có kinh nghiệm kinh doanh đồ thể thao. Họ sẽ giúp bạn có được cái nhìn đầy đủ hơn và tính toán tất cả các chi phí phát sinh trong quá trình kinh doanh.

 

9. Thủ tục pháp lý và rủi ro

Mở cửa hàng thể thao có cần đăng kí kinh doanh? Câu trả lời là có. Việc đăng ký kinh doanh là bắt buộc. Nếu không đăng kí, bạn có thể bị cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt. Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ rất mệt mỏi và có thể điêu đứng vì không biết, lường được những rủi ro pháp lý.

Một lời khuyên quan trọng là bạn không nên kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Điều này là vi phạm pháp luật. Hàng giả nhập dễ hơn và lợi nhuận cao hơn, nhưng bạn cũng đối mặt với rủi ro rất lớn như: bị tịch thu hàng, phạt số tiền lên tới hàng trăm triệu làm cho bạn sạt nghiệp và suy sụp nhanh chóng. Nếu vi phạm nặng, bạn có thể phải chịu án hình sự.


10. Giải pháp toàn diện cho cửa hàng của bạn

Nếu bạn vẫn còn băn khoăn và không có nhiều kinh nghiệm, bạn nên làm việc với các cửa hàng thể thao lâu năm đã có nhiều kinh nghiệm, các đại lý cấp 1 hay nhà phân phối sản phẩm thể thao để được tư vấn về Kỹ năng bán hàng, kỹ năng căng vợt và các kiến thức bán hàng thể thao liên quan, Cũng như các cách nhập hàng, nguồn hàng và nhận các mẫu đặt hàng của 1 shop thể thao mới.

TRÊN ĐÂY LÀ 10 BƯỚC MỞ SHOP THỂ THAO, CỬA HÀNG THỂ THAO. HI VỌNG MANG LẠI CHO BẠN NHỮNG GÓC NHÌN ĐẦY ĐỦ.

Nguồn: Báo Tiền Phong


Xem thêm:

Và đừng quên chuyên mục NHẬT KÝ BÁN HÀNG THỂ THAO được viết hàng tuần tại đây: NHẬT KÝ HỌC CĂNG VỢT!

 

...