Kiếm bộn tiền từ trái bóng nỉ

Giải Mỹ mở rộng (US Open), một trong bốn giải quần vợt lớn nhất hàng năm đang diễn ra ở New York. Những cuộc tranh luận xoay quanh các tay vợt, các sân đấu, xa nữa thì là những bộ trang phục họ trưng diện trên sân, hoặc loại vợt mới, loại giày mới. Ít ra nói đến thứ luôn hiện diện trên sân: trái bóng.

Năm nào các hãng làm bóng cũng đưa một vài sản phẩm mới từ các công nghệ đặt tên rất kêu ra thị trường. Nhìn bề ngoài, trái bóng cơ bản vẫn vậy, ít thay đổi hơn là vợt và dây vợt. Nhưng năm nào Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) cũng kiểm nghiệm hơn 200 loại bóng cho các giải đấu.

Và ngần đó loại bóng làm các tay vợt hàng đầu đau đầu. Giải Mỹ mở rộng và Úc mở rộng dùng bóng hãng Wilson, giải Wimbledon dùng bóng hãng Slazengers, giải Pháp mở rộng dùng hãng Babolat. Hãng Dunlop cung cấp bóng cho các giải trên sân đất nện ở châu Âu, còn hãng Penn được sử dụng trên các mặt sân cứng ở Bắc Mỹ.

“Tôi thi đấu ở Olympic một loại bóng, tuần tiếp theo tôi chơi ở thành phố Cincinnati một loại bóng khác, rồi bây giờ ở New York lại là loại khác nữa. Chúng tôi phải mất thời gian để làm quen với bóng mới”, tay vợt nam số hai thế giới Andy Murray nói với tờ New York Times.

Với những tay chơi chuyên nghiệp, một chút thay đổi của trái bóng là họ nhận ra ngay, không giống như những người chơi phong trào. Có loại bóng chuyên cho những sân cứng, có loại chuyên cho những sân ở nơi có không khí loãng… Kể cả dùng một loại bóng ở một địa điểm cũng thất thường theo thời tiết: trời nóng khiến bóng nảy cao hơn, độ ẩm không khí cao khiến bóng nặng hơn.

Lịch sử trái bóng quần vợt thì nói cả ngày không hết chuyện. Túm lại là nó được định hình bằng lõi cao su bọc nỉ bắt đầu vào năm 1850, khi ông Charles Goodyear, chủ hãng lốp xe nổi tiếng tìm ra phương pháp lưu hóa cao su, đó cũng là khi quần vợt hiện đại ra đời. Từ đó trở đi, trái bóng nỉ được biến tấu liên tục.

Theo ITF, mỗi năm trên thế giới có 360 triệu quả bóng được sản xuất mới, với cân nặng tổng cộng 21.000 tấn. Nếu xếp số bóng cạnh nhau ta được chiều dài 23.400 km, gần bằng 6/10 chiều dài đường xích đạo. Số bóng trên được dùng cho gần một triệu sân quần vợt trên toàn cầu. Mỗi trái bóng vứt ra bãi rác mất đến 450 năm để phân hủy.

95.000 trái bóng Wilson được dùng cho hai tuần đấu ở giải Mỹ mở rộng hàng năm. Mỗi khi khui hộp bóng ra để các tay vợt thi đấu, các trọng tài đều kiểm tra bóng khá kỹ, họ nói cứ khoảng 400-500 trái, mới có một quả bị lỗi. Hàng năm, Wilson sản xuất khoảng 100 triệu trái bóng quần vợt bán ra trên toàn cầu, vượt các ông lớn khác như Penn, Head, Dunlop và hàng chục nhãn hiệu khác để trở thành nhà sản xuất bóng số 1 thế giới.

Các hãng bóng đều từ Mỹ hoặc châu Âu nhưng họ thường đặt các nhà máy ở châu Á vì giá lao động rẻ. Nhà máy của Wilson ở Bangkok, một phóng sự của kênh truyền hình ESPN về nhà máy này cho thấy có đến 24 công đoạn để tạo ra trái bóng từ phôi cao su cho đến khi nó ra cửa hàng, nhiều công đoạn dùng đến tay thợ.

Giải Wimbledon uy tín nhất thế giới từ năm 1902 đến nay “chung thủy” với một đối tác duy nhất là Slazenger. Hãng này hiện thời đặt nhà máy tại Bataan (Philippines), nhưng nó là sản phẩm “liên hiệp quốc”: cao su từ Malaysia và Philippines, nỉ từ New Zealand, ma-nhê carbonat từ Nhật Bản, sulphur từ Hàn Quốc, ô-xít kẽm từ Thái Lan, silica từ Hy Lạp… Tổng cộng 11 quốc gia trải rộng trên bốn châu lục tham gia cung cấp vật liệu và sản xuất trái bóng. Trường Đại học kinh doanh Warwick ở Anh tính toán, trước khi bay trên bầu trời London trong giải Wimbledon, các vật liệu tạo ra trái bóng đã trải qua hành trình trên 81.000 km.

Bóng được bán với giá từ 2 đến 8 đô la Mỹ/hộp ba trái, tùy loại bóng, bán lẻ hay bán buôn. Trang Tennis Warehouse chuyên bán đồ quần vợt trực tuyến bán buôn 24 hộp bóng Wilson đang dùng cho giải Mỹ mở rộng với giá 90 đô la Mỹ, tức mỗi hộp giá 3,75 đô la hay mỗi trái giá 1,25 đô la. Tính ra Wilson mỗi năm có doanh thu trên 100 triệu đô la Mỹ từ tiền bán bóng, chưa kể họ cũng là nhà sản xuất vợt, giày, quần áo cho quần vợt hàng đầu. Theo ITF, hiện nay có khoảng 110 triệu người chơi quần vợt, nền công nghiệp quần vợt ước tính gần 20 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Nguồn:  Thái Hà – Báo Sài Gòn Tiếp Thị

...